Làn sóng cà phê thứ hai – những quán cóc liêu xiêu một câu thơ
Sau giải phóng, gọi là thời kỳ bao cấp – cà phê như một sản phẩm xa xỉ, như là mặt hàng cấm kinh doanh. Rất ít quán cà phê ở những nơi sang trọng mà chủ yếu là những quán được bày bán ở vỉa hè. Các bà “đi buôn” cà phê được giấu rất kỹ để vẫn cung cấp được cho nhu cầu thị trường…
Vào những năm 1980 – đầu 1990, nền kinh tế lạc hậu chuyển bước sang kinh tế thị trường cũng kéo theo nhu cầu về loại cà phê rẻ mà không cần bận tâm đến sức khỏe của người tiêu dùng tăng cao. Nhiều cơ sở sản xuất cà phê sẵn sàng trộn bắp, đậu nành rang cháy khét, hương liệu… để chạy đua với lợi nhuận.
Người tiêu dùng thưởng thức tách cà phê như vậy trong thời gian dài dẫn đến những nhầm lẫn về cà phê ngon đúng nghĩa: đen đậm, đắng gắt, thơm dai dẳng, sánh bệt, bọt nhiều, bám bền vào thành ly.

Trong khi đó, các quán cà phê chủ yếu tận dụng mặt bằng vỉa hè, góc phố có sẵn, rồi tự phát triển thành kiểu cà phê cóc. Tuy nhiên, khái niệm “quán cà phê” lúc bấy giờ còn bị gắn với ý nghĩa tiêu cực vì nhiều quán đã biến tướng thành cà phê “đèn mờ”, cà phê “tình nhân”…
Nhưng cái hay là những quán này vẫn là nơi lưu giữ tính cách và văn hóa của người Việt Nam. Như quay về vạch xuất phát, vượt qua sự phân biệt về giai cấp, trình độ, ai ai cũng có thể lui tới quán cà phê, từ sinh viên, học sinh đến cán bộ công chức, từ công nhân lao động đến giớ văn nghệ sĩ, ai ai cũng có thể vui vẻ trò chuyện bên tách cà phê.
Thời kỳ này, ngành cà phê phát triển khá khó khăn nhưng cũng lại là tiền đề để làn sóng cà phê thứ ba cất cánh.