Cột mốc trong lịch sử phát triển cây cà phê ở Việt Nam

Cây cà phê ở Việt Nam đã trải qua một hành trình lịch sử dài và đang có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Cây cà phê ở Việt Nam được người Pháp mang đến từ thế kỷ XIX và phát triển theo thời gian. Nhờ có những chính sách, chiến lược đúng đắn mà ngành cà phê Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Hiện nay, nước ta là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới sau Brazil.

Ngành cà phê Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm
Ngành cà phê Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm

Lịch sử du nhập cây cà phê vào Việt Nam

Điểm qua một số dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử phát triển cây cà phê ở Việt Nam.

Khởi sự của cây cà phê ở Việt Nam

Năm 1857, các nhà truyền giáo người Pháp đã đưa giống cà phê đầu tiên vào Việt Nam. Chính là cà phê Arabica. Chúng được trồng thử nghiệm tại các nhà thờ Công giáo phía Bắc như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Kế đến mở rộng sang một số tỉnh miền Trung. Cuối cùng, người ta đưa cà phê đến các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ để canh tác. Cũng chính thời điểm đó, họ mới phát hiện ra Tây Nguyên là mảnh đất thích hợp nhất để trồng cà phê.

Cây cà phê trên đồn điền vào năm 1898

Đến năm 1908, người Pháp tiếp tục mang tới Việt Nam cà phê Robusta và Excelsa (cà phê mít tìm hiểu thêm thông tin trong bài: các loại cafe Việt Nam). Ngoài ra, nhiều giống khác đã được đưa tới trồng tại Tây Nguyên trong thời gian sau đó. Cà phê có sự phát triển tuy nhiên tốc độ thấp và sản lượng chưa cao. Kết quả chỉ ra rằng cây cà phê chè dễ bị tấn công bởi sâu đục thân và bệnh gỉ sắt.

Cà phê vối không phát triển tốt ở phía Bắc do nhiệt độ thấp hơn so với với yêu cầu sinh thái của cây này. Duy chỉ có cà phê mít có khả năng sinh trưởng tốt, năng suất khá nhưng giá trị thương phẩm lại thấp. Chính những kết quả trên đã khiến cho các chuyên gia cho rằng tình hình phát triển cây cà phê ở Việt Nam không tốt và khó đem lại giá trị kinh tế cao.

Công cuộc cải cách, và bước nhảy vọt về sản lượng

Năm 1975, khi đất nước ta hoàn toàn giải phóng cũng là lúc phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lúc này, các chính sách kinh tế sao chép từ Liên Xô đã không còn phù hợp với tình hình của nước nhà. Do đó, năm 1986 Đảng và Nhà nước đã thực hiện công cuộc cải cách, trong đó có cả cây cà phê.

Bước ngoặt 1986

Năm 1986, Liên hiệp các xí nghiệp cà phê Việt Nam được sự hỗ trợ của các bộ ban ngành đã tổ chức Hội nghị cà phê nhân dân lần thứ nhất. Nhằm có định hướng phát triển cà phê trong các hộ gia đình nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ. Chính phủ đã tập trung nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực cà phê. Mục đích chuyển đổi cà phê thành một ngành nông nghiệp quan trọng.

Chính sách mới được đưa ra cùng với giá cà phê trên thế giới đang gia tăng giúp cho ngành cà phê Việt Nam phát triển mạnh mẽ về cả diện tích, sản lượng và giá trị xuất khẩu. Những năm kế tiếp, giống cà phê chống bệnh gỉ sắt của Arabica là Catimor được đưa vào sản xuất. Đây là tiền đề để Tổng Công ty Cà phê Việt Nam xây dựng kế hoạch phát triển cà phê Arabica ở Việt Nam.

Cà phê Việt, sau hơn một thế kỷ

Cuối thế kỷ XX, Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu ở Đông Nam Á và đứng thứ hai thế giới sau Brazil. Sản lượng chủ yếu thuộc về cà phê Robusta. Diện tích trồng Robusta chiếm tới hơn 90% tổng diện tích cà phê. Trong công cuộc cải cách, ngành cà phê đã được phát triển mạnh tại các tỉnh Tây Nguyên. Các doanh nghiệp tư nhân bắt tay vào sản xuất kinh doanh cà phê.

Sự hợp tác giữa người nông dân, doanh nghiệp và nhà nước đã làm nên những thương hiệu cafe mang tầm quốc tế. Điển hình có thể kể đến Trung Nguyên (1996) và Highlands Coffee (1998). Những năm gần đây, Nhà nước đã tạo điều kiện và đưa ra cách chính sách nhằm nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu.

“Trái lành, quả ngọt” của ngành cà phê Việt

Điều làm nên thành công của ngành cà phê Việt Nam là chiến lược tập trung vào phát triển cà phê Robusta. Đây là giống cà phê dễ trồng nên chi phí sản xuất thấp hơn so với Arabica. Năng suất trung bình của cà phê Việt Nam hơn nhiều so với nhiều quốc gia sản xuất cà phê với con số 2,3 tấn/ha.

Các giống loại cây cà phê ở Việt Nam

Việt Nam có các giống cà phê chính là cà phê chè (Arabica), cà phê vối (Robusta) và một phần nhỏ cà phê mít (Liberia). Diện tích lớn nhất thuộc về cà phê Robusta với hơn 90%. Kế đến là Arabica với khoảng 10% và cuối cùng là Liberia với một tỷ lệ rất nhỏ.

Cà phê chè (Arabica)

Cà phê Arabica còn được biết đến với tên gọi cà phê chè. Bởi loại cây này có lá nhỏ, kích thước thấp như cây chè Việt Nam. Có hai loại cà phê Arabica chính là Moka và Catimor. Đây là loài có giá trị kinh tế cao nhất trong số các loại cà phê. Chính vì thế mà Arabica chiếm hơn một nửa sản lượng cà phê thế giới.

Cà phê chè có giá trị kinh tế cao nhất
Cà phê chè có giá trị kinh tế cao nhất

Cà phê Arabica thích hợp sống ở những vùng núi cao. Chúng thường được trồng ở độ cao từ 1000 – 1500m. Một cây trưởng thành có thể cao tới 15m. Tuy nhiên, trong sản xuất cây chỉ cao từ 4 – 6m để cho sản lượng tốt nhất. Thời gian bắt đầu thu hoạch cà phê chè là sau khi trồng 3 đến 4 năm.

Cà phê chè được ưa chuộng hơn cà phê vối bởi hương vị thơm ngon và hàm lượng cafein thấp hơn. Trên thị trường cafe, giá cà phê chè có thể cao gấp đôi cà phê vối.

Cà phê vối (Robusta)

Cà phê vối hay cà phê Robusta là loại cà phê chủ đạo của Việt Nam. Nước ta đã trở thành đất nước xuất khẩu cà phê vối lớn nhất thế giới.

Cà phê vối là loại cây quan trọng thứ hai trong các giống cà phê

Cà phê vối ưa sống ở độ cao dưới 1000m với nhiệt độ khoảng 24 – 29 độ C và lượng mưa trên 1000mm. Cà phê vối phát triển tốt trong điều kiện đủ ánh sáng mặt trời. Cà phê Robusta có dạng cây gỗ hoặc cây bụi. Chiều cao trung bình khi trưởng thành của cây là 10m. Cũng giống như cà phê chè, trồng cà phê vối từ 3 đến 4 năm có thể thu hoạch được.

Robusta có hàm lượng cafein chiếm từ 2 – 4 % trong khi đó cà phê chè chỉ khoảng 1 – 2%. Hương vị đắng gắt, không thơm ngon như cà phê Arabica nên giá trị nông sản thấp hơn.

Cà phê mít (Coffea Liberia)

Cà phê mít là tên gọi Việt hóa của cà phê Liberia. Chiều cao của cà phê mít vào khoảng 2 – 5m. Cây có khả năng chịu hạn tốt, thường trồng quảng canh. Tuy nhiên, năng suất thấp và hương vị không nổi bật nên diện tích trồng hạn chế. Cà phê mít thường được phối trộn cùng cà phê chè hoặc cà phê vối để tạo hương vị thơm ngon hơn. Loại cây này được trồng chủ yếu ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Gia Lai và Kon Tum. Đây đều là những vùng có điều kiện phù hợp để phát triển cây công nghiệp nhưng không hoàn toàn thuận lợi cho cây cà phê.

Như vậy, chặng đường đã đi qua của cây cà phê ở Việt Nam đã gặt hái được nhiều quả ngọt. Tuy nhiên, đâu đó vẫn đang còn tồn tại những nhược điểm mà chúng ta cần khắc phục trong thời gian tới. Để mang ngành cà phê Việt Nam vươn lên những tầm cao mới.